Việc làm an toàn lao động: Công việc mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

Việc làm an toàn lao động là những công việc liên quan đến đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình lao động. Đây là công việc quan trọng và cần thiết trong mọi doanh nghiệp để giảm thiểu tối đa rủi ro. Vậy những nhân viên an toàn lao động được đào tạo như thế nào? Hãy cùng tôi tìm hiểu các thông tin liên quan qua bài viết dưới đây.

1. Giới thiệu về việc làm an toàn lao động

1.1. Định nghĩa và tầm quan trọng
Định nghĩa 

Theo Khoản 2 Điều 3 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định:

“An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động.” Cũng có thể hiểu an toàn lao động là các giải pháp ngăn ngừa, hạn chế tác động của các yếu tố nguy hiểm trong quá trình người lao động thực hiện nhiệm vụ. Điều này đảm bảo rằng các yếu tố nguy hiểm này không ảnh hưởng đến người lao động và bảo vệ họ khỏi các nguy cơ bị thương hoặc tử vong.

Tầm quan trọng

Người lao động và doanh nghiệp phải thực hiện tốt nghĩa vụ và tuân thủ đầy đủ các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình làm việc. Ưu tiên biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại trong quá trình lao động. Khi các biện pháp an toàn được áp dụng, người lao động bảo đảm sẽ được làm việc trong điều kiện an toàn, nâng cao năng suất, hiệu quả trong công việc.

Tổ chức doanh nghiệp cần xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật, kế hoạch huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động hàng năm cho nhân viên. Qua đó, doanh nghiệp có thể tự tin khi tạo dựng môi trường làm việc an toàn và giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Đây không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là chiến lược thông minh giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

1.2. Lịch sử phát triển của an toàn lao động 

Đây là một hành trình dài nhằm điều chỉnh, phản ánh những bước phát triển của xã hội và nhận thức về giá trị sức khỏe của người lao động. Trong giai đoạn đầu, khi nông nghiệp chiếm đa số nguồn việc làm, khái niệm an toàn lao động chủ yếu là trách nhiệm của cá nhân và gia đình. Khi xã hội chuyển từ nền nông nghiệp sang công nghiệp, điều kiện làm việc khắc nghiệt, tai nạn lao động tăng lên đáng kể. Điều này thúc đẩy sự phát triển của các chính sách và quy định an toàn lao động đầu tiên ra đời.

Ngày nay, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ đang được tích hợp mạnh mẽ để cải thiện giám sát và quản lý rủi ro. Đồng thời, sự tăng cường nhận thức về quyền lợi của người lao động. Các biện pháp đào tạo chuyên sâu đang tạo nên môi trường làm việc an toàn và bền vững hơn. Đồng thời đưa an toàn lao động trở thành một giá trị quan trọng của xã hội hiện đại.

1.3. Các chuẩn mực quốc tế và quốc gia về việc làm an toàn lao động

Các chuẩn mực quốc tế và quốc gia về việc làm an toàn lao động được thiết lập nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người lao động, giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Một số tổ chức chuẩn mực quốc tế như:

  • ILO - Tổ chức Lao động Quốc tế: ILO đặt ra nhiệm vụ phát triển và thúc đẩy các tiêu chuẩn an toàn lao động toàn cầu thông qua Công ước của mình. Ví dụ Công ước 155 về An toàn và Sức khỏe của Người lao động, cung cấp khung pháp luật quan trọng bảo vệ người lao động trên khắp thế giới.

  • ISO - Tổ chức Tiêu chuẩn Hóa Quốc tế: ISO có chuẩn mực như ISO 45001 về Hệ thống Quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp, cung cấp một khung làm việc cho các tổ chức để quản lý và cải thiện hiệu suất an toàn lao động.

2. Rủi ro và nguy cơ trong môi trường làm việc

Môi trường làm việc chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn

2.1. Các loại rủi ro thường gặp

An toàn lao động có nhiều rủi ro khác nhau mà doanh nghiệp cần phải quản lý. Sau đây là một số sự cố thường gặp trong quá trình lao động:

  • Tai nạn lao động: sự cố xảy ra trong quá trình làm việc và gây thương tích cho người lao động. Các tai nạn có thể xảy ra như rơi từ độ cao, giật điện, tiếp xúc với các chất hóa học độc hại, tai nạn liên quan phương tiện di chuyển,...

  • Thiếu trang thiết bị bảo hộ: không sử dụng hoặc sử dụng không đúng trang thiết bị bảo hộ cá nhân tăng nguy cơ chấn thương.

  • Thiếu người quản lý hoặc hệ thống quản lý rủi ro: dẫn đến việc không nhận biết và kiểm soát rủi ro hiệu quả.

  • Thiếu đào tạo và ý thức: nhân viên không được đào tạo, huấn luyện đầy đủ về an toàn lao động nên tăng nguy cơ tai nạn.

2.2. Biện pháp đánh giá, quản lý rủi ro của trong việc làm an toàn lao động 

Các doanh nghiệp bắt buộc phải đánh giá rủi ro khi hoạt động trong các ngành nghề được quy định tại Điều 8 Thông tư 07/2016/TT - BLĐTBXH. Hoạt động đánh giá rủi ro được tuân thủ theo 5 bước sau đây:

Xác định nguy cơ và rủi ro có thể xảy ra

Cần xác định thiệt hại tiềm tàng có thể xảy ra với người lao động thông qua các cuộc khảo sát nhận thức rủi ro tại nơi làm việc hoặc thông qua một số phương pháp nhận diện mối nguy trong sản xuất như:

  • Phương pháp phân tích cây sai hỏng FTA.

  • Phương pháp nhận diện mối nguy HAZID.

  • Phân tích công việc chủ yếu CTA.

  • Phân tích cây sự cố ETA.

  • Tuần tra quan sát PO.

Xác định khả năng bị ảnh hưởng và mức độ bị ảnh hưởng

Với mỗi trường hợp khác nhau, doanh nghiệp cần xác định ai là người bị tổn thương, nguyên nhân tổn thương và mức độ bị tổn thương. Đặc biệt là các trường hợp của thai phụ, người lớn tuổi, người khiếm khuyết,... có thể phải đối mặt với những rủi ro đặc thù.

Đánh giá rủi ro và đưa các biện pháp kiểm soát kịp thời

Khi đã xác định được các mối nguy hiểm, doanh nghiệp cần quyết định xem cần làm gì để bảo vệ nhân viên. Doanh nghiệp phải trả lời 2 câu hỏi sau:

  • Biện pháp nào loại bỏ hoàn toàn mối nguy hại đó?

  • Nếu không thể loại bỏ hoàn toàn thì biện pháp nào kiểm soát được rủi ro và tác hại của rủi ro đó?

Tổng hợp thông tin người chịu trách nhiệm cùng các cách khắc phục 

Hiện nay, người đứng đầu hoặc chịu trách nhiệm trực tiếp về an toàn lao động trong tổ chức thường là các kỹ sư an toàn, giám sát an toàn, nhân viên an toàn,... Họ sẽ đưa ra trách nhiệm cụ thể, thời hạn, ngày thực hiện được phân công rõ ràng cho từng cá nhân. Các doanh nghiệp cần kiểm soát người quản lý rủi ro và các giải pháp có đúng tiêu chuẩn hay không. Từ đó có hướng cải thiện kịp thời, nhanh chóng.

Tổng hợp, rà soát, theo dõi và cập nhật các đánh giá rủi ro khi cần thiết

Đây là quy trình quan trọng đảm bảo mọi nguy cơ đều được xác định và giảm thiểu hiệu quả. Trong quá trình phát triển, doanh nghiệp không thể tránh khỏi những thay đổi về quy trình, máy móc, thiết bị,... Vì vậy, doanh nghiệp cần thường xuyên đánh giá định kỳ để có những biện pháp thay đổi phù hợp với sự phát triển. Ngoài ra, doanh nghiệp nên sử dụng hệ thống báo cáo để theo dõi các sự cố, tai nạn lao động hoặc những thay đổi đáng chú ý trong môi trường làm việc. Từ đó cập nhật, bổ sung đánh giá rủi ro dựa trên thông tin mới.

3. Phòng ngừa và kiểm soát

Phòng ngừa và kiểm soát rủi ro tạo môi trường làm việc an toàn

Phòng ngừa và kiểm soát tạo ra chiến lược toàn diện bảo vệ người lao động, giảm thiểu nguy cơ tai nạn và bệnh nghề nghiệp trong môi trường làm việc.

3.1. Các biện pháp phòng ngừa

Sau đây là một số biện pháp mà doanh nghiệp có thể áp dụng:

  • Phương pháp loại bỏ: biện pháp kiểm soát tốt nhất để loại bỏ hoàn toàn các hoạt động độc hại. Ví dụ, tắt thiết bị hoặc máy móc đang chạy để sửa chữa, bảo trì giúp tránh đáng kể rủi ro liên quan đến điện.

  • Phương pháp thay thế: thay thế một hoặc nhiều vật liệu bằng một hoặc nhiều vật liệu an toàn hơn. Ví dụ, doanh nghiệp có thể sử dụng hóa chất ít độc hại hơn, vật liệu chống cháy, hay vật liệu có khả năng chịu nhiệt tốt hơn.

  • Các biện pháp kiểm soát kỹ thuật: bảo vệ người lao động ra khỏi các mối đe dọa. Ví dụ, lắp đặt hệ thống cảm biến, xây rào chắn cách nhiệt, cách điện,...

  • Trang bị các trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) như: kính bảo hộ, khẩu trang, áo chống nhiệt, mặt nạ phòng độc,...

  • Phương pháp kiểm soát quản trị: thực thi các tiêu chuẩn về vận hành và quy trình  làm việc an toàn; đào tạo, hướng dẫn và huấn luyện về an toàn,... Ví dụ, thiết lập các khu vực cấm, sử dụng các biển cảnh báo trong khu vực làm việc và các hoạt động liên quan,...

  • Phương pháp cô lập: cô lập ở mức độ cao hoặc thấp tùy thuộc vào tình hình cụ thể. Phương pháp này được thiết kế để tách biệt người lao động khỏi các yếu tố có thể gây hại cho sức khỏe.

3.2. Trang bị bảo hộ và sử dụng đúng cách
Trang bị bảo hộ lao động (PPE - Personal Protective Equipment)

Là yêu cầu then chốt để người lao động làm việc an toàn. Đối với các doanh nghiệp, việc đầu tư trang bị, quần áo bảo hộ cho nhân viên là vô cùng quan trọng. Sau đây là một số trang bị bảo hộ lao động phổ biến:

  • Nón bảo hộ: bảo vệ đầu khỏi chấn thương và va đập từ vật dụng nặng hoặc từ các vụ tai nạn.

  • Kính bảo hộ: bảo vệ mắt khỏi bụi, hóa chất, tia UV và các vật thể có thể gây tổn thương.

  • Găng tay bảo hộ: bảo vệ tay khỏi chất lỏng, hóa chất, chống trơn trượt, chống nhiệt và chống tác động từ các vật thể sắc nhọn.

  • Giày bảo hộ: bảo vệ chân khỏi các yếu tố có thể gây tổn thương khi va chạm, đè nặng hoặc đinh nhọn.

  • Quần áo bảo hộ toàn phần: bảo vệ toàn bộ cơ thể khỏi các nguy cơ từ chất lỏng, bụi, hóa chất và các tác nhân độc hại khác.

  • Mặt nạ bảo hộ: bảo vệ đường hô hấp khỏi vi khuẩn, vi rút, bụi bặm, hóa chất và các chất ô nhiễm khác trong không khí.

Đeo trang bị bảo hộ đúng cách bảo vệ người lao động khỏi các rủi ro không đáng có

Trang thiết bị bảo hộ đúng quy cách
  • Người sử dụng lao động căn cứ vào yêu cầu của từng công việc, nơi làm việc để lựa chọn trang thiết bị phù hợp với từng hoàn cảnh. 

  • Việc chọn lựa và sử dụng PPE phù hợp đòi hỏi sự hiểu biết và tuân thủ đúng các quy định an toàn lao động. Người lao động cần được đào tạo về cách sử dụng, bảo quản, và kiểm tra định kỳ PPE để đảm bảo hiệu suất và an toàn tối đa.

  • Thiết bị bảo hộ cá nhân đặc biệt, yêu cầu kỹ thuật cao như găng tay cách điện, giày cách điện, mặt nạ phòng độc,... cần được kiểm tra trước khi xuất xưởng để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và thường xuyên kiểm tra, ghi chép theo dõi trong quá trình sử dụng.

  • Người lao động phải chọn thiết bị bảo hộ đúng cỡ, đeo chính xác, kiểm tra hư hỏng trước khi mang. Sau khi sử dụng phải được lau sạch sẽ, có biện pháp khử trùng, khử khuẩn tại chỗ, để ở nơi khô ráo và thoáng mát, tránh nhiệt độ cao làm biến dạng các thiết bị.

3.3. Đào tạo và nâng cao nhận thức

Đào tạo và nâng cao nhận thức giúp người lao động hiểu rõ hơn về rủi ro, các biện pháp và tầm quan trọng của việc duy trì môi trường làm việc an toàn. Để nắm vững cách ứng phó với các tình huống nguy hiểm, người lao động cần tham gia khóa huấn luyện an toàn lao động do các doanh nghiệp tổ chức. Khóa huấn luyện cung cấp kiến thức về quy tắc an toàn, sử dụng đúng thiết bị bảo hộ và ứng phó với các tình huống nguy hiểm. Bên cạnh đó, bản thân người lao động phải tuân thủ các nội quy, quy trình làm việc, nắm vững kiến ​​thức, kỹ năng làm việc an toàn. 

4. Vai trò của người sử dụng lao động và người lao động

4.1. Trách nhiệm và nghĩa vụ của người sử dụng lao động

Người sử dụng lao động có trách nhiệm, nghĩa vụ quan trọng đối với sự an toàn của người lao động trong môi trường làm việc. Sau đây là một số nghĩa vụ cơ bản mà các doanh nghiệp cần đảm bảo:

  • Thông tin, phổ biến, giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động, các yếu tố nguy hiểm, có hại và biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc..

  • Tổ chức huấn luyện cho người chịu trách nhiệm, người làm công tác về an toàn, vệ sinh lao động; tuyển giám sát an toàn có trách nhiệm cập nhật khi có thay đổi về chính sách, pháp luật về an toàn lao động, sức khỏe nghề nghiệp hoặc khoa học công nghệ.

  • Xây dựng nội quy, quy trình phù hợp với pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực. Đồng thời, doanh nghiệp đảm bảo rằng nơi làm việc đáp ứng yêu cầu về không gian như thông gió, bụi, hơi, khí độc, bức xạ, rung,... và các yếu tố có hại khác và thường xuyên kiểm tra, đo lường các yếu tố này.

  • Đảm bảo trang thiết bị, vật tư bảo quản tuân thủ các quy định kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động. Tổ chức kiểm tra, đánh giá, thực hiện các biện pháp kỹ thuật định kỳ nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

  • Trường hợp xảy ra tai nạn kỹ thuật, người sử dụng lao động phải ngừng ngay việc sử dụng thiết bị và không buộc người lao động tiếp tục làm việc khi chưa giải quyết được tai nạn. Thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố khẩn cấp để tổ chức cứu người, tài sản.

4.2. Quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động

Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động phải đặc biệt tuân thủ các nghĩa vụ sau:

  • Tuân thủ các quy định, quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

  • Tham gia các khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động do doanh nghiệp tổ chức.

  • Sử dụng và bảo quản các thiết bị bảo hộ cá nhân được cung cấp, trang thiết bị đảm bảo an toàn lao động, sức khỏe nghề nghiệp. 

  • Nếu phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn kỹ thuật dẫn đến mất an toàn, sức khỏe nghề nghiệp, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải báo ngay cho người có trách nhiệm; tích cực tham gia sơ cứu, xử lý tai nạn, sự cố tại nơi làm việc theo kế hoạch xử lý sự cố và ứng phó khẩn cấp hoặc theo chỉ đạo của người sử dụng lao động.

5. Xu hướng và tương lai của an toàn lao động

Xu hướng và tương lai của an toàn lao động đặt ra nhiều thách thức và đồng thời mang đến cơ hội để cải thiện môi trường làm việc, bảo vệ sức khỏe người lao động. Trong bối cảnh tiến bộ của công nghệ và sự nhấn mạnh vào khía cạnh tâm lý, trạng thái tinh thần của người lao động, các doanh nghiệp/ tổ chức cần chủ động hợp nhất những tiến bộ để tạo ra một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh.

5.1. Công nghệ mới và ảnh hưởng đến an toàn lao động

Sự tích hợp thông tin và linh hoạt của các công nghệ mới chính là chìa khóa để đạt được môi trường làm việc an toàn và bảo vệ sức khỏe người lao động.

  • Internet of things (IoT): Mũ bảo hộ lao động tích hợp cảm biến và công nghệ IoT giúp mũ bảo hiểm thông minh hơn, có khả năng phát hiện và cảnh báo cho người dùng. Sự phát triển của cảm biến thông minh giúp theo dõi các yếu tố như nhiệt độ, ánh sáng, hạt bụi, khí độc hại, và đưa ra cảnh báo khi phát hiện rủi ro.

  • Thực tế ảo (VR) và thực tế ảo mở rộng (AR): Sử dụng VR và AR để tạo ra môi trường ảo, giúp nhân viên trải nghiệm, huấn luyện trong các tình huống an toàn mà không cần phải thực hiện trực tiếp trong môi trường thực tế.

  • Công Nghệ Wearable Health: Đồng hồ thông minh và các thiết bị đeo sức khỏe giúp theo dõi sự căng thẳng, mức độ mệt mỏi và tình trạng sức khỏe của người lao động.

  • Trí tuệ nhân tạo (AI): Sử dụng mô hình học máy để phân tích dữ liệu lớn và dự đoán những tình huống có thể gây nguy hiểm và đưa ra quyết định thông minh…

Nhiều công nghệ mới ra đời nâng cao an toàn lao động

5.2. Dự báo về tương lai trong bối cảnh toàn cầu hóa

Trong tương lai, an toàn lao động sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu đối với cộng đồng quốc tế. Toàn cầu hóa sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng an toàn chung, nơi mà mọi quốc gia cùng hợp tác để đảm bảo môi trường làm việc an toàn, lành mạnh cho tất cả người lao động. Hệ thống đào tạo an toàn 4.0 sẽ trở nên phổ biến, kết hợp giữa phương pháp truyền thống và công nghệ mới nhằm tăng cường kỹ năng, nhận thức an toàn cho người lao động. Điều này giúp ngăn chặn tai nạn tại nơi làm việc và tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng cao, thích ứng với những thay đổi nhanh chóng trong môi trường công nghiệp toàn cầu.

6. Kết luận

An toàn lao động không chỉ là một trách nhiệm pháp lý mà còn là một giá trị kinh tế quan trọng đối với mọi tổ chức và xã hội. Vì thế an toàn lao động là một hành trình không ngừng để cải thiện và bảo vệ nhân viên, đồng thời tạo ra môi trường làm việc tích cực và năng động cho sự phát triển bền vững của xã hội toàn cầu. 

Việc làm an toàn lao động cũng đang thúc đẩy thị trường tuyển dụng về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp yêu cầu cao ở tuyển dụng giám sát an toàn, tuyển dụng kỹ sư an toàn,... Hy vọng rằng Jobsnew đã mang đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích nhất và có cái nhìn toàn diện hơn về việc làm an toàn lao động.



...Xem thêm